Bối cảnh Chiến_dịch_Na_Uy

Giá trị chiến lược của Na Uy

Do đã ký với Ba Lan các hiệp ước hỗ trợ quân sự, nên ngày 3 tháng 9 năm 1939, 2 ngày sau khi Đức xâm lược Ba Lan, Anh và Pháp đã đồng loạt tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, không quốc gia nào triển khai mở mặt trận ở phía tây, và cũng không có trận chiến đáng kể nào diễn ra giữa 2 phe trong nhiều tháng trời, hình thành nên một cục diện mà người ta gọi là Cuộc chiến tranh kỳ quặc.

Trong thời gian này, cả hai bên đều tìm cách mở một mặt trận phụ khác. Đối với Đồng Minh, đặc biệt là Pháp, điều này bắt nguồn từ tâm lý muốn tránh phải lặp lại cuộc chiến tranh hầm hào đã từng diễn ra dọc theo biên giới Pháp-Đức như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Về phía Đức, hầu hết bộ tư lệnh tối cao quân đội đều không tin tưởng rằng họ có đủ tiềm lực kinh tế-quân sự để mở một cuộc tấn công ngay lập tức vào nước Pháp. Và Na Uy là quốc gia được cả hai bên nhìn nhận như một địa điểm chủ chốt trong việc tiến hành tiến đánh lẫn nhau.

Mặc dù vẫn đang đứng trung lập, Na Uy vẫn giữ một tầm chiến lược quan trọng đối với các bên tham chiến bởi 2 lý do chính. Một là tầm quan trọng của cảng Narvik, nơi xuất cảng một số lượng rất lớn nguồn quặng sắt Thụy Điển mà Đức phụ thuộc vào; tuyến đường biển này đặc biệt cần thiết trong những tháng mùa đông, khi mà biển Baltic đóng băng. Narvik trở nên có ý nghĩa hơn đối với Anh khi mà kế hoạch chiến dịch Catherine[8] nhằm chiếm quyền kiểm soát biển Baltic của Hải quân Hoàng gia Anh rõ ràng sẽ không được triển khai. Hai là các cảng biển của Na Uy có thể được sử dụng để tạo ra một lỗ hổng trong cuộc phong tỏa của Anh, cho phép Đức mở đường tiến ra Đại Tây Dương.[9]

Ngoài ra, đối với Đảng Quốc xã của Adolf Hitler, Na Uy còn mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với phong trào dân tộc Völkisch của Đức, bởi lẽ quốc gia này từ lâu vẫn được chủ nghĩa Quốc xã cho là nơi đất mẹ của cái gọi là "chủng tộc Aryan Bắc Âu".

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính phủ Na Uy đã tiến hành động viên một phần Lục quân và gần toàn bộ (chỉ chừa lại 2 chiếc) tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Na Uy. Bộ phận Không lực Lục quânBộ phận Không lực Hải quân cũng được lệnh phải bảo vệ sự trung lập của đất nước trước những hành động vi phạm đến từ các thế lực đối lập khác nhau. Sự vi phạm đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ Na Uy là việc các tàu ngầm U-boat của Đức đánh chìm nhiều tàu thuyền của Anh trên hải phận Na Uy. Trong những tháng tiếp theo, máy bay của cả hai bên đều đã xâm phạm sự trung lập của Na Uy.[10]

Giá trị đối với hải quân

Việc kiểm soát Na Uy được xem là có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước Đức trong việc sử dụng một cách hiệu quả sức mạnh hải quân của mình để chống lại quân Đồng Minh, đặc biệt là Anh Quốc.[11] Một khi Na Uy vẫn còn đang trung lập, chưa bị bên nào dùng vũ lực chiếm đóng, thì còn chưa có mối đe dọa nào. Nhưng sự yếu kém của hệ thống phòng thủ bờ biển, cũng như sự bất lực của quân đội Na Uy trong việc chống lại một cuộc xâm lăng quyết liệt từ bên ngoài là quá rõ ràng. Trong năm 1939, Đô đốc Erich Raeder đã nhiều lần chỉ ra mối nguy hiểm tiềm tàng của việc Anh giành lấy thế chủ động và đi trước trong việc tiến hành xâm chiếm Scandinavia - một khi Hải quân Hoàng gia Anh có được những căn cứ tại Bergen, NarvikTrondheim, thì biển Bắc hầu như đóng kín đối với Đức, và Hải quân Đức sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm ngay cả tại vùng Baltic.

Chiến tranh mùa Đông

Ngày 30 tháng 11 năm 1939, Liên Xô bắt đầu tấn công Phần Lan, và quân Đồng Minh nhận thấy rằng họ cần liên kết với Na UyThụy Điển để hỗ trợ Phần Lan trong cuộc chiến chống lại kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Trên thực tế, Đồng Minh chỉ có thể viện trợ cho Phần Lan qua lối cảng Narvik của Na Uy, vì biển Baltic đang bị Đức phong tỏa. Do đó, Narvik trở thành một mục tiêu hậu cần quan trọng đối với Anh-Pháp.[12]

Điều này đã đem lại cho Đồng Minh một cơ hội để trong khi đang tích cực tiến hành giúp đỡ Phần Lan, thì có thể nhân đó lấy cớ gửi quân hỗ trợ sang Bắc Âu và chiếm cứ luôn các mỏ quặng tại Thụy Điển và cảng biển của Na Uy. Theo kế hoạch ban đầu sẽ có 2 sư đoàn, nhưng sau đó có khả năng phát triển lên thành đội quân khoảng 150.000 người để mở một chiến dịch tấn công quy mô lớn tại miền trung Thụy Điển.[13]

Động thái này gây ra một mối quan tâm lớn tại Đức. Hiệp ước Molotov-Ribbentrop trước đó đã đặt Phần Lan vào trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, và do vậy Đức phải tuyên bố trung lập đối với cuộc xung đột này. Chính sách đó làm nảy sinh tâm lý chống Đức tại Scandinavia, khi mà họ đều tin rằng Đức cũng cùng hội cùng thuyền với nhà nước Xô viết. Bộ tư lệnh tối cao Đức lo ngại rằng Na Uy và Thụy Điển rồi sẽ cho phép quân Đồng Minh mượn đường để viện trợ cho Phần Lan.

Việc triển khai quân sự này đã không bao giờ diễn ra, vì cả Na Uy và Thụy Điển, sau khi chứng kiến "sự phản bội của phương Tây" đối với Ba Lan trong cuộc xâm lược tháng 9 năm 1939, đều cảnh giác không muốn đánh liều sự trung lập của họ một khi bị coi như đã tham gia chiến tranh nếu để cho Đồng Minh hành quân qua lãnh thổ của mình. Với hiệp định hòa bình Moskva được ký kết ngày 12 tháng 3 năm 1940, mọi kế hoạch tương tự của Đồng Minh đều bị chấm dứt.

Trong lúc ấy, tại Na Uy, sau khi chiến tranh giữa Liên Xô và Phần Lan bùng nổ, người Na Uy đã bắt đầu động viên thêm nhiều lực lượng trên bộ, nhiều hơn số lượng được cho là cần thiết lúc đầu. Đến đầu năm 1940, Sư đoàn Na Uy số 6 tại FinnmarkTroms đã huy động 9.500 quân phòng thủ vùng biên giới với Liên Xô, chủ yếu đóng tại phần phía đông của hạt Finnmark. Các bộ phận của Sư đoàn số 6 vẫn ở lại Finnmark ngay cả khi cuộc xâm lăng của Đức đã diễn ra, để đề phòng khả năng bị quân Liên Xô tấn công.[10] Trong Chiến tranh Mùa đông, những nhà lãnh đạo Na Uy đã bí mật phá vỡ thế trung lập của nước mình khi gửi cho Phần Lan số hàng hóa gồm 12 khẩu pháo Ehrhardt 7.5 cm Model 1901 và 12.000 viên đạn pháo, cũng như cho phép Anh sử dụng lãnh thổ Na Uy để vận chuyển máy bay cùng nhiều vũ khí khác đến Phần Lan.[10]

Vidkun Quisling và sự tìm hiểu ban đầu của Đức

Ban đầu, Bộ tư lệnh tối cao Đức cho rằng không cần chiếm đóng Na Uy nếu quốc gia này vẫn còn đứng trung lập.[14] Chừng nào mà Đồng Minh còn chưa thâm nhập vào vùng hải phận Na Uy, đó vẫn còn là lối đi an toàn cho các tàu buôn vận chuyển nguồn quặng nhập khẩu quan trọng về Đức.

Thế nhưng, Đại đô đốc Erich Raeder lại ra sức lập luận cho một cuộc xâm lăng.[11] Ông ta tin rằng các cảng biển của Na Uy sẽ đem lại những điều kiện hoạt động thuận lợi nhất cho lực lượng tàu ngầm U-boat trong việc bao vây Anh Quốc, và hiện tại lại đang rất có khả năng quân Đồng Minh sẽ đổ bộ lên bán đảo Scandinavia.

Vidkun Quisling năm 1942. Tên của ông ta đã trở thành từ chỉ những kẻ phản bội.[15]

Ngày 14 tháng 12 năm 1939, Raeder đã giới thiệu cho Hitler gặp mặt Vidkun Quisling, một phần tử thân Quốc xã, cựu bộ trưởng quốc phòng Na Uy. Cuộc gặp với Quisling đóng vai trò trung tâm trong việc kích thích sự quan tâm của Hitler đối với cuộc chinh phục Na Uy.[16] Trong lần đó, Quisling đã đề xuất về một sự hợp tác giữa Đức Quốc xã và Na Uy, và sau cuộc gặp, Hitler đã ra lệnh cho OKW (Bộ tư lệnh Tối cao các Lực lượng Vũ trang Đức) bắt đầu nghiên cứu một kế hoạch hợp lý để xâm lược Na Uy.[11][17]

Trong cuộc họp thứ hai 4 ngày sau đó, 18 tháng 12, Quisling và Hitler đã cùng thảo luận về nguy cơ quân Đồng Minh xâm lăng Na Uy.[17] Quisling xác nhận rằng mối đe doạ từ nước Anh đối với Na Uy là rất nghiêm trọng, và rằng chính phủ Na Uy sẽ bí mật hỗ trợ cho cuộc chiếm đóng của Đức (điều này về sau là không đúng). Ông ta còn khẳng định rằng mình có một vị thế có thể bảo đảm hỗ trợ tối đa cho lực lượng của Đức, bao gồm cả việc giảm nhẹ gánh nặng của Đức trong công tác tuần tra phòng thủ bờ biển và cung cấp các căn cứ quân sự một cách hiệu quả. Trong khi đó, Hitler lại khẳng định muốn để Na Uy tiếp tục trung lập, song ngụ ý rằng nếu quân Đồng Minh mở rộng chiến tranh đến Scandinavia, ông ta sẽ đáp lại một cách thích đáng. Lúc này, Hitler đã bắt đầu nghi ngờ rằng Quisling đã cường điệu hóa sức mạnh của mình vì quyền lợi, và các kế hoạch xa hơn trong việc hợp tác với ông ta đã bị từ bỏ.

Sự kiện Altmark

Bài chi tiết: Sự kiện Altmark

Ngày 10 tháng 1 năm 1940, chiếc tàu chở dầu Altmark của Đức đã tiến vào hải phận Na Uy gần vịnh Trondheims, có treo quốc kỳ Đức. Mấy tháng trước đó, Altmark hoạt động với vai trò tàu chở dầu đi kèm của tuần dương hạm Admiral Graf Spee, vốn có nhiệm vụ đánh phá tuyến đường thương mại trên biển ở Nam Đại Tây Dương. Khi Altmark trở lại Đức, tàu có chở theo 299 tù binh từ các tàu thuyền Đồng Minh bị chiếc Admiral Graf Spee đánh chìm.[18] Theo công ước quốc tế, bất kỳ tàu thuyền phi quân sự nào của một quốc gia đang tham chiến cũng có thể tìm nơi trú ẩn một thời gian tại các hải phận trung lập nếu được cho phép. Phía Na Uy đã cung cấp một tàu hộ tống cho tàu Altmark đi tiếp xuống phía nam, dọc theo sát bờ biển Na Uy. Khi Altmark đang ở gần cảng quân sự Bergen vào ngày 14 tháng 1, các viên chức hải quân Na Uy đã yêu cầu lục soát tàu Đức. Dù luật pháp quốc tế không ngăn cấm việc vận chuyển tù binh qua các lãnh hải trung lập, nhưng viên thuyền trưởng Đức vẫn từ chối cho khám xét. Thế là viên tư lệnh hải quân tại Bergen, Đô đốc Carsten Tank-Nielsen, đã ngăn không cho tàu Altmark cập cảng. Tuy nhiên lệnh của Tank-Nielsen sau đó đã bị cấp trên là Henry Diesen bác bỏ, và tàu Altmark vẫn được hộ tống qua cảng. Theo quy định trung lập thì tàu chiến của các bên lâm chiến không được phép vào một số cảng chiến lược quan trọng của Na Uy, nhưng hành động vi phạm rõ ràng này đã được cho phép vì đô đốc Diesen lo sợ người Anh sẽ chặn đánh tàu Altmark nếu nó bị buộc phải đi gần sát ranh giới hải phận Na Uy.[18]

Ngày hôm sau, 15 tháng 2, tàu Altmark đã bị 3 máy bay Anh phát hiện. Việc khám phá ra vị trí của con tàu đã khiến Hải quân Hoàng gia Anh quyết định phái 6 khu trục hạm đến khu vực này. Để chạy trốn các tàu chiến địch đang tới, chiếc Altmark đã tiến sâu vào trong vịnh Jøssing. Lúc này Altmark đang được hộ tống bởi 3 tàu chiến Na Uy, gồm 2 tàu phóng thủy lôi Kjell, Skarv và tàu tuần tra Firern.[18]

Khi một đội tàu khu trục Anh xuất hiện lúc 22h20 giờ địa phương ngày 16 tháng 2, tàu Altmark đang trú trong vịnh Jøssing của Na Uy. Bất chấp công ước quốc tế và sự trung lập của Na Uy, khu trục hạm HMS Cossack đã tiến vào trong vịnh và tấn công tàu Altmark, binh lính Anh tràn sang giết chết 7 lính Đức và giải thoát tất cả tù binh trong khi các tàu Na Uy đã không can thiệp.[18]

Sau sự kiện này, Đức đã phản đối mạnh mẽ chính phủ Na Uy. Phía Na Uy cũng gửi kháng nghị đến chính phủ Anh. Trong khi các chuyên gia về luật pháp quốc tế của Na Uy, Thụy Điển và Hoa Kỳ mô tả hành động của Anh như một sự vi phạm tính trung lập của Na Uy, thì Anh tuyên bố rằng sự kiện đó chỉ vi phạm về mặt kỹ thuật, còn về mặt đạo đức thì hợp lý.[18]

Hành động vi phạm này không chỉ khiến Na Uy tức giận, mà còn làm nổ ra tranh cãi trong nội bộ hai bên tham chiến.

Xác chết lính Đức trên tàu Almart được đưa lên bờ

Phe Đồng Minh thấy đây là một dấu hiệu cho sự bất lực của Na Uy trong việc bảo vệ sự trung lập của mình. Họ suýt nữa đã cho thực hiện một kế hoạch được đề xuất một thời gian ngắn sau thất bại của Ba Lan của Bộ trưởng hải quân Winston Churchill, đó là cho rải mìn tại khu vực này. Kế hoạch cuối cùng đã bị trì hoãn với hy vọng về khả năng Na Uy vẫn còn có thể đồng ý cho phép quân Đồng Minh hành quân qua lãnh thổ để viện trợ cho Phần Lan.

Đối với Đức, sự kiện Altmark cho thấy Na Uy không có khả năng duy trì tính trung lập của mình và rằng nước Anh không có ý định tôn trọng sự trung lập của Na Uy. Hitler ra lệnh tăng tốc xây dựng kế hoạch xâm lăng để đảm bảo chống lại kế hoạch hiện tại của Churchill nhằm đẩy Na Uy vào vòng chiến và cướp lấy quyền kiểm soát bến cảng quan trọng Narvik. Đến ngày 21 tháng 2, tướng Nikolaus von Falkenhorst được giao nhiệm vụ lên kế hoạch tấn công và làm tư lệnh các lực lượng trên bộ, và Hitler chính thức phê chuẩn cho cuộc tấn công chiếm đóng Đan Mạch và Na Uy ngày 1 tháng 3.[18][19] Cùng ngày hôm ấy một chỉ thị đặc biệt được công bố, trong đó nêu rõ:

Tình hình phát triển tại Scandinavia đòi hỏi phải chuẩn bị một phần lực lượng vũ trang để đánh chiếm Đan Mạch và Na Uy. Điều này sẽ ngăn chặn người Anh củng cố vị thế tại Scandinavia và biển Baltic, đảm bảo các cơ sở quặng sắt của chúng ta tại Thụy Điển và mở rộng các căn cứ cho lực lượng hải quân và không quân trong cuộc chiến chống lại nước Anh.
— [20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Na_Uy http://www.achtungpanzer.com/articles/norway.htm http://www.blackvault.com/documents/ADA394016.pdf http://www.feldgrau.com/norwegian.html http://hem.fyristorg.com/robertm/norge/index.html http://www.magweb.com/sample/sconflic/co03wese.htm http://www.magweb.com/sample/sconflic/co03wesm.htm http://stonebooks.com/archives/090607.shtml http://digital.library.wisc.edu/1711.dl/FRUS.FRUS1... http://www.history.army.mil/books/70-7_0.htm http://www.history.army.mil/books/70-7_02.htm